"pinterest" Thuật ngữ hàng hải "M" | Chia Sẻ Cho Bạn Những Điều Thú Vị Trong Cuộc Sống

Thuật ngữ hàng hải "M"

Leave a Comment

Thuật ngữ hàng hải "M"


Maritime usage
Tập quán hàng hải
Là những lề thói, quán lệ được sử dụng lâu đời trong ngành hàng hải, có tính ổn định, hợp pháp và được giải thích thống nhất. Tác dụng của tập quán hàng hải là giải thích, bổ sung và hướng dẫn thực hiện các điều kiện có liên quan của hợp đồng vận tải biển mà các điều khoản đó chưa quy định hoặc quy định chưa cụ thể. Thí dụ: Việc vứt hàng xuống biển để cứu tàu, hàng và sinh mệnh thuyền viên tránh một thảm họa thực sự là một tập quán hàng hải lâu đời được xã hội thừa nhận.

Main deck
Tầng boong chính (của tàu)

Manifest of cargo (Cargo manifest)
Bản lược khai hàng hóa
Là tờ khai hàng hóa chở trên tàu gồm các chi tiết số vận đơn, tên và mã ký hiệu, số kiện, trọng lượng hàng, cảng gửi, cảng đến, người gửi hàng, người nhận hàng,... Có 3 loại lược khai hàng hóa: Bản lược khai hàng nhập (Inward cargo manifest), bản lược khai hàng xuất (Outward cargo manifest) và bản lược khai hàng hóa quá cảnh (Intransit cargo manifest). Bản lược khai hàng do tàu lập và xuất trình cho hải quan kiểm tra khi tàu vào / ra cảng.

Marine Insurance
Bảo hiểm hàng hải
Là bảo hiểm tài sản trong quá trình vận chuyển đường biển nhằm mục đích hạn chế và bù đắp tổn thất do sự cố, tai nạn đường biển gây ra. Đối với người bảo hiểm (Công ty bảo hiểm), kinh doanh bảo hiểm hàng hải là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn đem lại thu nhập phí bảo hiểm rất lớn vì đối tượng bảo hiểm chủ yếu như tàu biển, hàng hóa, cước phí là những tài sản có giá trị cao, cần được bảo hiểm trước các rủi ro, tai nạn xảy ra thường xuyên trên các biển và đại dương.

Maritime perils
Hiểm họa hay tai nạn đường biển
Theo luật bảo hiểm của Anh 1906 (Marine Insurance Act 1906) và nhiều nước khác, hiểm họa đường biển là nguyên nhân của những rủi ro hàng hải (Marine Risks) xảy ra bất ngờ, có liên quan đến quá trình vận chuyển đường biển và gây tổn thất cho con người và tài sản. Hiểm họa đường biển bao gồm: 1. Thiên tai (Act of God): Biển động (Seaquake), bão tố (Tempest), gió lốc (Cyclone), sét (Lighting), núi lửa phun (Volcanic eruption), thời tiết quá xấu (Heavy weather),... 2. Hiểm họa của biển (Perils of the sea), mắc cạn (Stranding), đắm (Sinking), cháy (Fire), nổ (Explosion), đâm va (Collision), mất tích (Missing), hành động phá hoại của thuyền viên (Barratry),... 3. Rủi ro từ bên ngoài hay rủi ro phụ (Extraneous risks): Nước mưa / nước ngọt gây hại (Rain or fresh water damage), trộm cắp hoặc giao thiếu hàng (Theft, pilferage or non-delivery), rò chảy (Leakage), thiếu hụt (Shortage), vỡ, cong, vẹt (Breaking, bending, denting),... Hiểm họa đường biển được nhận bảo hiểm theo điều kiện bảo hiểm thông thường (Bảo hiểm mọi rủi ro, bảo hiểm có tổn thất riêng và bảo hiểm miễn tổn thất riêng). Điều này khác với rủi ro chiến tranh (War Risks) và rủi ro đình công (Strike, Riot & Civil commotion), chỉ được bảo hiểm theo điều kiện đặc biệt.

Marked by sea-water
Có vết nước biển
Chỉ hàng hóa hoặc bao bì có dấu nước biển xâm phạm, làm ướt.

Market
Thị trường
Theo khái niệm chung thị trường là nơi tiếp xúc và trao đổi mua bán sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ giữa bên mua và bên bán. Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất và lưu thông hàng hóa, thị trường được xác định và hình thành trong quan hệ cung cầu của sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ mà có khi không cần đến một địa điểm tiếp xúc cụ thể giữa bên mua và bên bán. Tùy theo đối tượng và tính chất, thị trường có thể phân chia thành: - Thị trường hàng hóa (Commodity market). - Thị trường thuê tàu (Freight market). - Thị trường bảo hiểm (Insurance market). - Thị trường chứng khoán (Stock market). - Thị trường lao động (Labour market).

Marking
Ký mã hiệu – Nhãn hiệu
Là những dấu hiệu bằng hình vẽ hoặc chữ, số ghi trên bao bì hàng hóa hay công cụ vận tải nhằm chuyển đạt ngắn gọn các thông tin cần thiết về: - Nhận dạng hàng hóa (Identifying markings). - Mô tả tính chất hàng hóa (Descriptive markings). - Lưu ý khi bốc dỡ, vận chuyển , bảo quản hàng hóa (Precaution marks). - Nguồn gốc và chỉ rõ người gửi / nhận hàng (Source and destination marks).

Master bill of lading
Vận đơn người chuyên chở thực

Mate’s receipt
Biên nhận của thuyền phó
Sau khi lô hàng được bốc xếp xong xuống tàu, thuyền phó tàu (Ship’s mate) sẽ căn cứ vào kết quả kiểm đếm hàng mà ký phát cho người gửi hàng một chứng từ làm bằng cứ gọi là biên nhận của thuyền phó. Nội dung biên nhận có ghi tên hàng, ký mã hiệu, số kiện, trọng lượng, tình trạng bên ngoài, ghi chú nhận xét. Biên nhận thuyền phó là chứng từ quan trọng mà thuyền trưởng dựa vào đó ký phát vận đơn sạch hay không sạch cho người gửi hàng về lô hàng nhận chở.

Mean draft
Mớn nước trung bình (giữa mớn nước mũi và lái)
Measurement cargo Là loại hàng nhẹ, có tỷ trọng trên 1.13m3/ tấn. Do đó người chuyên chở chọn cách tính cước hàng theo khối lượng (Dung tích) bằng m3 hoặc Cubic – feet để có lợi về cước. (Ký hiệu tắt: M).

Member Line
Hãng tàu thành viên của hiệp hội vận tải tàu chợ

Mile
Hải lý – Dặm
Đơn vị dùng đo quãng cách vận chuyển Có mấy loại hải lý với tốc độ dài ngắn khác nhau. - Hải lý quốc tế (International nautical mile): Có độ dài 1852 mét = 6.080 feet, bằng chiều dài của một phút cung của chu vi quả đất (40.000.000m/360x60). Được sử dụng phổ biến từ 1970. - Hải lý Anh (Admiralty mile) có độ dài 1.853,18 mét. Cần phân biệt với dặm Anh (British mile) là đơn vị đo chiều dài trên bộ của Anh, bằng 1609,344 mét = 0.568 hải lý quốc tế.

Memorandum of affreightment
Bản ghi nhớ thuê tàu
Trong quá trình đàm phán thuê tàu, khi người thuê tàu và chủ tàu thông qua trao đổi thương lượng đã đạt được thỏa thuận về những điều kiện thuê tàu cơ bản, thì hai bên đồng ý ký bản ghi nhớ về kết quả ban đầu làm cơ sở cho việc tiếp tục đàm phán những vấn đề còn lại để đi đến ký kết hợp đồng thuê tàu chính thức và hoàn chỉnh.

Merchant marine
Đội tàu buôn (đội thương thuyền) của một quốc gia


Misdelivery
Việc giao nhầm hàng của người chuyên chở

Misrepresentation
Miêu tả sai (không chính xác)
Trong giao dịch thuê tàu chuyến hoặc thuê tàu định hạn, chủ tàu có bổn phận miêu tả chính xác và cung cấp những thông số kỹ thuật đúng đắn của con tàu (Tên tàu, loại tàu, năm đóng, nơi đăng ký, kích thước trọng tải, tốc độ,... để người thuê tàu xem xét và quyết định việc thuê mướn. Chủ tàu phải chịu trách nhiệm về việc mô tả con tàu vì người thuê tàu có quyền từ chối nhận tàu thậm chí có quyền đòi bồi thường nếu nguyên nhân do miêu tả sai của chủ tàu nên đã dẫn đến sử dụng không đúng gây hậu quả tổn thất cho người thuê.

Misrouting of shipment
Gửi hàng sai địa chỉ
Nếu chủ hàng gửi hàng mà ghi sai địa chỉ nơi đến làm cho chứng từ vận tải hoặc hàng hóa không thể chuyển đến tay người nhận hàng thì chủ hàng phải gánh chịu hậu quả tổn thất hàng hóa và / hoặc chậm trễ kể cả những chi phí do đó phát sinh.

Moorage
Chổ đậu tàu
Lệ phí đậu tàu tại bến...

Mortgage of ship
Cầm cố tàu
Chỉ chủ tàu cầm cố con tàu làm vật thế chấp để ngân hàng hoặc tổ chức tài chính cho vay tiền.

Multimodal transport or combined transport
Vận tải đa phương thức hay vận tải hỗn hợp
Là cách vận chuyển hàng hóa dây chuyền, đi suốt từ nơi gửi đến nơi giao hàng cuối cùng: - Có sự tham gia chuyên chở từ 2 phương thức vận tải trở lên. - Do một người chuyên chở duy nhất (Người vận tải đa phương thức) thực hiện theo chế độ trách nhiệm thống nhất. - Sử dụng chứng từ vận tải đa phương thức làm chứng từ vận tải duy nhất. - Áp dụng giá cước tổng hợp cho toàn bộ quá trình vận chuyển. Vận tải đa phương thức quốc tế (International combined transport) được sử dụng rộng rãi để chuyên chở hàng đóng trong pallet, container hoặc trailer mua bán giữa 2 hay nhiều nước vì có nhiều ưu điểm: Tốc độ vận chuyển giao hàng nhanh chóng, chi phí vận tải thấp và thủ tục, chứng từ đơn giản, phù hợp với yêu cầu hợp lý hóa sản xuất – vận chuyển – phân phối.

Multimodal transport document
Chứng từ vận tải đa phương thức
Là chứng từ mà người chuyên chở đa phương thức (Combined Transport Operator) ký phát cho người gửi hàng theo yêu cầu của người này. Nó có chức năng giao dịch của một chứng từ vận tải đầy đủ pháp lý: - Biên lai giao nhận hàng. - Chứng từ xác nhận quyền sở hữu hàng. - Bằng chứng một hợp đồng vận tải đã ký kết. Có hai loại chứng từ vận tải đa phương thức đang được sử dụng: 1. Loại do Công hội hàng hải BIMCO soạn thảo. Tên gọi tắt: COMBIDOC. 2. Loại do Hiệp hội giao nhận quốc tế (FIATA) soạn thảo. Tên gọi tắt: Vận đơn hỗn hợp FBL. Cả 2 loại chứng từ này đều được xây dựng dựa trên bản “Quy tắc thống nhất về chứng từ vận tải đa phương thức của Phòng Thương Mại Quốc Tế (ICC)” đã được UNCTAD chấp nhận và có hiệu lực từ 01/01/1992.

Multimodal transport operator or combined transport operator (MTO or CTO)
Người vận tải (Chuyên chở) đa phương thức.
Là người chuyên chở ký hợp đồng vận tải đa phương thức với chủ hàng và là một bên đương sự đảm trách việc chở hàng từ nơi gửi đến đích cuối cùng (Contractual carrier). Người vận tải đa phương thức có thể có hay không có phương tiện vận tải riêng để tham gia vận chuyển. Trên các chặng đường mà họ không có phương tiện vận tải riêng thì họ phải ký hợp đồng vận tải phụ (Sub – Contract of transport) với những người vận tải khác để bảo đảm đưa hàng đến đích theo yêu cầu của chủ hàng.

Multipurpose cargo ship
Tàu chở hàng đa dụng
Loại có thể chở được vài loại hàng khác nhau như: tàu chở quặng / hàng rời / dầu, tàu chở sà lan / container.

Tổng hợp các bài về:
Thuật ngữ chuỗi cung ứng & Logistics
Thuật ngữ hàng hải

0 comments:

Post a Comment

Powered by Blogger.