"pinterest" CÁC PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN QUỐC TẾ | Chia Sẻ Cho Bạn Những Điều Thú Vị Trong Cuộc Sống

CÁC PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN QUỐC TẾ

Leave a Comment

CÁC PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN QUỐC TẾ


Khi tham gia hoạt động kinh doanh trong nước hay quốc tế, cả người mua và người bán đều có một mục tiêu cơ bản khi họ thống nhất với nhau một phương án thanh toán đó là :

- Người mua sẽ nhận được hàng mà họ đã đặt mua.
- Người bán sẽ được trả đủ số tiền đã thống nhất đúng hạn.

Trong khi việc tiến hành các giao dịch thương mại trong nội địa mỗi quốc gia dường như có vẻ đơn giản và thuận tiện thì việc tiến hành các vụ giao dịch quốc tế có vẻ như là phức tạp và có nguy cơ rủi ro cao. Đặc biệt sự xa cách về địa lý, ngôn ngữ, thông tục, luật lệ và các khác biệt về tập quán thương mại khiến cho bạn khó tiếp cận với vũ đài quốc tế.

Hiểu rõ được các phương thức thanh toán quốc tế sẽ giúp cho bạn vượt qua những khó khăn mà bạn thường xuyên gặp trong thương mại quốc tế.

Có 6 phương pháp thanh toán quốc tế cơn bản, mỗi một phương pháp khác nhau sẽ giúp bảo vệ bạn ở mức độ an toàn khác nhau và chi phí cũng khác nhau. Chọn phương pháp nào là tùy thuộc vào mối quan hệ của bạn với đối tác của mình, tùy thuộc vào mức độ rủi ro của giao dịch và trong một số trường hợp thì tuỳ thuộc vào quy định của quốc gia của đối tác yêu cầu để có thể chọn được phương thức thanh toán quốc tế phù hợp
thanh toán quốc tế
thanh toán quốc tế

1. Trả trước, Điện chuyển tiền


Trả trước: đây có lẽ là phương thức thanh toán mong muốn nhất của người bán vì họ không phải chịu sức ép về rủi ro phát sinh và có thể thu được tiền hàng ngay nếu sử dụng phương thức điện chuyển tiền. Tuy nhiên, phương thức này gây nhiều khó khăn về dòng tiền và tăng rủi ro cho người mua cho nên thông thường họ ít khi chấp nhận trả tiền trước khi nhận được hàng.

Để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên, bạn nên thỏa thuận với người mua về phương thức thanh toán. Trong trường hợp người mua không chấp nhận thanh toán toàn bộ tiền hàng trước khi vận chuyển, để giảm bớt rủi ro, bạn có thể cân nhắc đến phương thức trả ngay từng phần. Để giảm thiểu rủi ro, trong hợp đồng ngoại thương có thể qui định như sau: “người mua phải trả cho người bán 30% tiền hàng sau khi hợp đồng được ký kết; phần còn lại sẽ được thanh toán khi người mua nhận được bản copy bộ chứng từ gửi hàng” hoặc “người mua phải trả cho người bán 30% tổng giá trị hợp đồng sau khi hai bên ký kết hợp đồng; phần còn lại sẽ được thanh toán bằng thư tín dụng không hủy ngang có xác nhận”.

Phương thức chuyển tiền (Remittance)

Đầu tiên, phương thức chuyển tiền (Remitttance) là phương thức mà trong đó một khách hàng của ngân hàng (người yêu cầu chuyển tiền) yêu cầu ngân hàng chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng ở một địa điểm nhất định, với hình thức chuyển tiền trả sau, người xuất khẩu sẽ đứng vào vị trí bất lợi trong trường hợp hàng hóa đã chuyển đi mà vì lý do nào đó người nhập khẩu chậm lập lệnh chuyển tiền gửi cho ngân hàng dẫn đến người xuất khẩu chậm nhận được tiền thanh toán. Và ngược lại, với phương thức chuyển tiền trả trước, rủi ro sẽ chuyển sang cho nhà nhập khẩu ở chỗ người nhập khẩu đã chuyển tiền đi thanh toán cho người xuất khẩu rồi nhưng chưa nhận được hàng vì nhà xuất khẩu chậm trể giao hàng.

2. Phương thức tín dụng chứng từ (Letter of Credit – L/C)


Tên gọi & ký hiệu của Tín dụng thư
•Letter of credit: LOC, LC, L/C.
•Documentary credit: DC, D/C.
•Documentary letter of credit.
•Credit (được định nghĩa trong UCP 600).
Định nghĩa:
Tín dụng thư (hay còn gọi là thư tín dụng) là một văn bản pháp lý được phát hành bởi một tổ chức tài chính (thông thường là ngân hàng), nhằm cung cấp một sự bảo đảm trả tiền cho một người thụ hưởng trên cơ sở người thụ hưởng phải đáp ứng các điều khoản trong tín dụng thư. Điều này có nghĩa là: Khi một người thụ hưởng hoặc một ngân hàng xuất trình (đại diện của người thụ hưởng) thỏa mãn ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận trong khoảng thời gian có hiệu lực của LC (nếu có) những điều kiện sau đây:
•Các chứng từ cần thiết thỏa mãn điều khoản và điều kiện của LC. Chẳng hạn như: vận đơn (bản gốc và nhiều bản sao), hóa đơn lãnh sự, hối phiếu, hợp đồng bảo hiểm ..v.v
•Các thông lệ trong UCP và hoạt động ngân hàng quốc tế.
•Các thông lệ của ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận (nếu có).
Nói một cách ngắn gọn, một L/C là:
•Một loại chứng từ thanh toán
•Do bên mua (hoặc bên nhập khẩu) yêu cầu mở.
•Liên lạc thông qua các kênh ngân hàng.
•Được trả bởi ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận thông qua ngân hàng thông báo (advising bank tại nước người thụ hưởng) trong một khoảng thời gian xác định nếu đã xuất trình các loại chứng từ hoàn toàn phù hợp với các điều kiện, điều khoản.
Các tổ chức tài chính không phải là ngân hàng cũng có thể phát hành LC.
LC cũng có thể là nguồn thanh toán cho một giao dịch, nghĩa là một nhà xuất khẩu sẽ được trả tiền bằng cách mua lại LC. LC được sử dụng chủ yếu trong giao dịch thương mại quốc tế có giá trị lớn. LC cũng được dùng trong quá trình phát triển điền sản để bảo đảm rằng những cơ sở hạ tầng công cộng đã được phê duyệt (như đường xá, vỉa hè, ke chắn sóng ..v.v) sẽ được xây dựng.
Các bên liên quan luôn luôn tồn tại trong LC:
•Người thụ hưởng (Beneficiary): người nhận tiền.
•Ngân hàng phát hành(opening/issue bank): Ngân hàng mà người nộp đơn xin mở LC.
•Ngân hàng thông báo(advising bank): Ngân hàng mà người thụ hưởng là khách hàng.
Tuy nhiên, người nộp đơn xin mở LC không phải là một bên trong LC.
Hầu hết các LC được sử dụng hiện nay là L/C không hủy ngang. Trong quá trình tiến hành giao dịch, LC kết hợp những chức năng thông thường của séc và ký quỹ trực tiếp.
Một giao dịch L/C điển hình:
•Ngân Hàng mở/phát hành sẽ chọn một ngân hàng thông báo tại nước người xuất khẩu. Thường thì ngân hàng này có quan hệ tốt với ngân hàng mở/phát hành hoặc là đại lý/chi nhánh của ngân hàng này.
•Ngân hàng thông báo sẽ thông báo đến người thụ hưởng L/C (thường là người bán/người xuất khẩu) là L/c đã được mở kèm theo nội dung của L/C. Nếu người thụ hưởng chấp nhận hoặc yêu cầu sửa chữa thì báo cho ngân hàng thông báo ---> thông báo cho ngân hàng phát hành để phát hành hoặc chỉnh sửa.
•Sau khi chấp nhận nội dung L/C thì người xuất khẩu sẽ tiến hành giao hàng và thành lập bộ chứng từ.
•Người Xuất khẩu gởi bộ chứng từ cho ngân hàng thông báo
•Ngân hàng thông báo gởi bảng copy bộ chứng từ cho Ngân hàng mở/phát hành kiểm tra.
•Nếu bộ chứng từ hợp lệ thì ngân hàng mở/phát hành tiến hành thanh toán cho người xuất khẩu (thụ hưởng) và lấy bộ chứng từ thông qua ngân hàng thông báo
Các loại tính dụng thư:
•Thư tín dụng có thể huỷ ngang (revocable L/C): loại này đã bị bỏ theo UCP 600 và tất cả các thư tín dụng là không thể hủy ngang
•Thư tín dụng không thể huỷ ngang (irrevocable L/C)
•Thư tín dụng xác nhận (Confirmed L/C)
•Thư tín dụng tuần hoàn (revolving L/C)
•Thư tín dụng giáp lưng (back to back L/C)
Mở L/C:
Mở một L/C hoàn toàn không dễ dàng, ngân hàng thường căn cứ vào những đặc điểm sau:
•Đặc điểm của hàng hóa xuất nhập khẩu.
•Khả năng tài chính và uy tín của người mở L/C.
•Tình hình sản xuất kinh doanh thực tế của người mở L/C.
•Tùy theo quy định của ngân hàng và pháp luật của nước sở tại.
Chi phí của một L/C mà người nhập khẩu phải trả thường là một khoản phí cố định cộng thêm phần trăm (và có thể có hoa hồng). Chi phí L/C của nhà nhập khẩu thường tăng trong một số trường hợp phổ biến sau:
•Yêu cầu ngân hàng của mình (Ngân Hàng Mở/phát hành): phát hành thư bảo lãnh, thư uỷ quyền nhận hàng, ký hậu vận đơn gốc theo L/C.
Đối với người xuất khẩu, họ sẽ phải trả nhiều loại chi phí. Chi phí L/C của nhà xuất khẩu thường tăng trong một số trường hợp phổ biến sau:
•L/C không thể trả ngay.
•Nghiệp vụ tín dụng thư có nhiều hơn 2 ngân hàng tham gia.
•Người xuất khẩu yêu cầu xác nhận tín dụng thư.
•Chứng từ không thống nhất, hoặc cần thiết phải bổ sung hay sửa đổi.

3. Phương thức nhờ thu (Collection of payment)


Để khắc phục những yếu điểm của phương thức chuyển tiền trả sau, phương thức nhờ thu điển hình là phương thức nhờ thu hối phiếu kèm chứng từ ra đời nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà xuất khẩu.

Người xuất khẩu sau khi hoàn thành nhiệm vụ xuất chuyển hàng hoá cho người nhập khẩu thì uỷ thác cho ngân hàng phục vụ mình thu hộ số tiền ở người nhập khẩu trên cơ sở hối phiếu do mình lập ra.

Các thành phần chủ yếu tham gia phương thức thanh toán này như sau:

- Người xuất khẩu

- Ngân hàng phục vụ người xuất khẩu

- Ngân hàng đại lý của ngân hàng phục vụ người xuất khẩu (đó là ngân hàng quốc gia của người nhập khẩu)

- Người nhập khẩu

Phương thức nhờ thu được phân ra làm hai loại như sau:

- Nhờ thu chấp nhận chứng từ: Người xuất khẩu sau khi xuất chuyển hàng hoá, lập các chứng từ hàng hoá gửi trực tiếp cho người nhập khẩu (không qua ngân hàng), đồng thời uỷ thác cho ngân hàng phục vụ mình thu hộ tiền trên cơ sở hối phiếu do mình lập ra.

Phương thức thanh toán này ít được sử dụng trong thanh toán thương mại quốc tế vì nó không đảm bảo quyền lợi cho người xuất khẩu.

- Nhờ thu kèm chứng từ: là phương thức trong đó người xuất khẩu uỷ thác cho ngân hàng thu hộ tiền ở người nhập khẩu, không những chỉ căn cứ vào hối phiếu mà còn căn cứ vào bộ chứng từ hàng hoá, gửi kèm theo với điều kiện là người nhập khẩu trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu có kỳ hạn, thì ngân hàng mới trao bộ chứng từ hàng hoá để đi nhận hàng.

Theo phương thức này ngân hàng không chỉ là người thu hộ tiền mà còn là người khống chế bộ chứng từ hàng hoá. Với cách khống chế này quyền lợi của người xuất khẩu được đảm bảo hơn.

4. Phương thức ghi sổ (Open account)


người xuất khẩu mở một tài khoản để ghi nợ người nhập khẩu yêu cầu người nhập khẩu trả tiền cho người xuất khẩu vào thời điểm xác định trong tương lai. Phương thức này chỉ thuận tiện và an toàn trong trường hợp hai bên thực sự tin cậy lẫn nhau, đã mua bán hàng nhiều lần và người mua có uy tín thanh toán.


Tuy nhiên, sử dụng phương thức ghi sổ có rất nhiều rủi ro. Người xuất khẩu sẽ rất khó khiếu nại do không có sự tham gia của Ngân hàng và các chứng từ của ngân hàng. Là người xuất khẩu, bạn có thể phải thu tiền hàng ở nước ngoài, mà việc này rất khó và tốn nhiều chi phí. Ngoài ra, việc theo dõi và xử lí các khoản phải thu gặp rất nhiều khó khăn do không sử dụng hối phiếu hay bất kì chứng từ ghi nợ nào.

Lưu ý, đối với tất cả các phương thức thanh toán nói trên, bạn nên nêu rõ điều khoản là đối tác (người mua) phải chịu chi phí chuyển tiền của ngân hàng trong hợp đồng ngoại thương.
Để hạn chế rủi ro, chỉ áp dụng phương thức này khi cả hai bên là các bạn hàng có mối quan hệ làm ăn lâu dài, thực sự tin cậy lẫn nhau. Để bảo đảm an toàn cho nhà xuất khẩu, các bên có thể áp dụng biện pháp bảo đảm như thư bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng dự phòng, đặt cọc…

5. Phương thức ủy thác mua hàng (Authority to purchase – A/P)


A/P là một phương thức thanh toán áp dụng trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, theo đó Ngân hàng của nhà nhập khẩu, theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, ra văn bản yêu cầu ngân hàng đại lý ở nước xuất khẩu phát hành một A/P cam kết sẽ mua hối phiếu của nhà xuất khẩu ký phiếu với điều kiện chứng từ xuất trình phù hợp với các điều kiện đặt ra trong A/P và phải được đại diện của nhà nhập khẩu xác nhận thanh toán.

Phương thức này áp dụng chủ yếu trong các hợp đồng mua bán máy móc, thiết bị, các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ cao.

Bản chất của phương thức này là nhà nhập khẩu thông qua ngân hàng của mình ở nước nhập khẩu chuyển tiền sang một ngân hàng ở nước xuất khẩu để ủy thác cho ngân hàng này trả tiền hối phiếu của nhà xuất khẩu ký phát.

Có hai cách thức chuyển tiền sang ngân hàng của nước xuất khẩu để mua hàng:

Một là, nhà nhập khẩu thông qua ngân hàng của mình chuyển tiền đặt cọc 100% sang ngân hàng nước xuất khẩu để ngân hàng này phát hành A/P.

Hai là, nhà nhập khẩu yêu cầu ngân hàng của mình phát hành A/P cho ngân hàng đại lý ở nước xuất khẩu hưởng và đặt cọc 100% trị giá của A/P. Trên cơ sở A/P đó, ngân hàng nước xuất khẩu phát hành một A/P đối ứng cho người thụ hưởng là nhà xuất khẩu.

6. Bảo lãnh và Tín dụng dự phòng


Thực chất bảo lãnh và tín dụng dự phòng là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.

Bảo lãnh là việc người thứ a (người bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (người nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (người được bảo lãnh) nếu khi đến thời hạn mà người được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Trong giao dịch xuất nhập khẩu thường có các bảo lãnh: bảo lãnh thực hiện hợp đồng; bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước (hoặc tiền đặt cọc); bảo lãnh bảo hành máy móc, thiết bị; bảo lãnh nhận hàng chưa có vận đơn gốc; bảo lãnh thanh toán

Thư tín dụng dự phòng là cam kết không hủy ngang, độc lập, bằng văn bản và ràng buộc khi được phát hành. Trong đó người phát hành cam kết với người thụ hưởng thanh toán chứng từ xuất trình trên bề mặt phù hợp với các điều khoản và điều kiện của thư tín dụng dự phòng theo đúng quy tắc. Người phát hành phải thanh toán chứng từ xuất trình bằng việc chuyển số tiền theo phương thức trả tiền ngay, hoặc chấp nhận hối phiếu của người thụ hưởng hoặc cam kết trả tiền sau hoặc chiết khấu….

Bảo lãnh hoặc thư tín dụng dự phòng được sử dụng kết hợp với các phương thức thanh toán khác để tăng độ an toàn cho các bên. Do vậy, trong các giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế, đặc biệt đối với các hàng hóa có giá trị lớn như máy móc, thiết bị các bên cũng nên xem xét và áp dụng các biện pháp bảo lãnh hoặc thư tín dụng dự phòng.

0 comments:

Post a Comment

Powered by Blogger.